MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TRONG THÁNG 4.2024 1. Sửa quy định cơ quan đăng ký phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước Ngày 23/02/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05/6/2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 19 cơ quan đăng ký phương tiện. Cụ thể: - Ủy ban nhân dân cấp huyện (quy định cũ UBND cấp tỉnh) tổ chức thực hiện, quản lý việc đăng ký, quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước thuộc diện phải đăng ký theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật. - Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước được miễn đăng ký. Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung Điều 11 thẩm quyền thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2. Cụ thể: - Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân cấp huyện) (quy định cũ UBND cấp tỉnh) thực hiện thỏa thuận, công bố mở, đóng vùng hoạt động tại vùng 2. Trước khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng, chủ đầu tư liên hệ Ủy ban nhân dân cấp huyện để thực hiện thỏa thuận về địa điểm, quy mô, biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng. Nghị định số 19/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2024. 2. Sửa đổi quy định về cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay Ngày 23/02/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/1/2021 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay và Nghị định số 64/2022/NĐ-CP ngày 15/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Nghị định số 20/2024/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung Điều 52 của Nghị định số 05/2021/NĐ-CP quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay. Theo quy định mới, chủ sở hữu hoặc tổ chức được giao quản lý cảng hàng không, sân bay gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cảng vụ hàng không. Hồ sơ bao gồm: 1- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay, theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 20/2024/NĐ-CP; 2- Bản sao hoặc bản sao điện tử quyết định thành lập doanh nghiệp của chủ sở hữu hoặc tổ chức được giao quản lý cảng hàng không, sân bay (trường hợp không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp); 3- Bản sao hoặc bản sao điện tử quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư cảng hàng không, sân bay trong trường hợp xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cảng hàng không, sân bay; 4- Bản sao hoặc bản sao điện tử tài liệu xác nhận kết cấu hạ tầng của cảng hàng không, sân bay đã hoàn thành các thủ tục nghiệm thu theo quy định về đầu tư xây dựng trong trường hợp xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cảng hàng không, sân bay. Trong trường hợp cảng hàng không, sân bay đang xây dựng, chủ sở hữu hoặc tổ chức được giao quản lý cảng hàng không, sân bay nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời cảng hàng không, sân bay trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến Cảng vụ hàng không. Hồ sơ bao gồm các tài liệu quy định tại 1,2,3 ở trên. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định, Cảng vụ hàng không có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, bao gồm các nội dung sau: - Cảng hàng không, sân bay được xây dựng phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đã được phê duyệt; - Kết cấu hạ tầng của cảng hàng không, sân bay được xây dựng, nghiệm thu kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định và năng lực khai thác; - Phương án xây dựng kết cấu hạ tầng của cảng hàng không, sân bay phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định đối với việc đăng ký tạm thời cảng hàng không, sân bay đang xây dựng và năng lực khai thác. Nghị định 20/2024/NĐ-CP nêu rõ trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thẩm định, Cảng vụ hàng không cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 20/2024/NĐ-CP và gửi kết quả trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử hoặc bằng các hình thức phù hợp khác đến chủ sở hữu hoặc tổ chức được giao quản lý cảng hàng không, sân bay; gửi Cục Hàng không Việt Nam kết quả cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay để đăng ký cảng hàng không, sân bay vào Sổ đăng bạ cảng hàng không, sân bay. Trường hợp từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký cảng hàng không, sân bay, Cảng vụ hàng không thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do. Chậm nhất 60 ngày sau khi hoàn thành xây dựng, cảng hàng không, sân bay đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời phải được đăng ký theo quy định của Nghị định 20/2024/NĐ-CP. Nghị định số 20/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2024. 3. Quy định về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động trong công ty Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ Ngày 23/02/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2024/NĐ-CP ngày 23/2/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Nghị định số 52/2016/NĐ-CP ngày 13/6/2016 quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Nghị định số 21/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 4 Nghị định số 51/2016/NĐ-CP về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Cụ thể, căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động. Các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, nhưng phải bảo đảm quỹ tiền lương tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện. Nghị định số 21/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/4/2024. 4. Quy định mới về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú" Ngày 27/02/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 25/2024/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân ”, “Thầy thuốc ưu tú". Nghị định này quy định đối tượng, nguyên tắc, tiêu chuẩn, hội đồng xét tặng, hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” cho các cá nhân gồm: - Bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, lương y, lương dược, cán bộ quản lý y tế quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Thi đua, khen thưởng 2022. - Kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền quy định tại các điểm đ, e, g, h và k khoản 1 Điều 26 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Các nguyên tắc trong xét tặng danh hiệu thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú được quy định tại Điều 3 Nghị định 25/2024/NĐ-CP như sau: - Thực hiện đúng các nguyên tắc khen thưởng quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 5 Luật Thi đua, khen thưởng trong việc xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”. - Không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước bao gồm “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” để đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”. - Các thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” phải là thành tích đạt được trong thời gian công tác trong ngành y tế. Chỉ được lấy thành tích khen thưởng theo công trạng làm điều kiện, tiêu chuẩn để đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”. - Cá nhân được hưởng lương và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm tại đơn vị nào thì đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” tại đơn vị đó. - Không xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” cho cá nhân đã bị hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên. - Chưa xem xét đề nghị xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” cho cá nhân đang trong thời hiệu thi hành hình thức kỷ luật khiển trách hoặc có liên quan đến các vụ, việc mà cơ quan có thẩm quyền đang trong thời gian xem xét thi hành kỷ luật hoặc đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc đang có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh, xử lý hoặc có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực do các cơ quan truyền thông, báo chí phản ánh đang được xác minh, làm rõ. Nghị định 25/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2024. 5. Nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp Ngày 01/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 26/2024/NĐ-CP quy định quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp. Trong đó, nội dung và hình thức hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp được quy định như sau: - Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định gồm toàn bộ hoặc một phần nội dung sau: + Tăng cường năng lực trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. + Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. + Đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật. + Cải cách tư pháp. - Hợp tác quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp theo quy định được thực hiện dưới các hình thức sau: + Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. + Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án. + Tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế. - Các nội dung và hình thức hợp tác pháp luật và cải cách tư pháp không quy định trên thì thực hiện theo quy định pháp luật khác có liên quan. Nghị định 26/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2024. 6. Thủ tục xét tặng, truy tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" Ngày 06/3/2024 Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2024/NĐ-CP quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang’’ và việc khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến; Nghị định áp dụng cho đối tượng là thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, có thời gian tại ngũ từ đủ 24 tháng trở lên; Thanh niên xung phong hy sinh khi làm nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, đã được công nhận liệt sĩ; tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. * Hồ sơ đề nghị của Thanh niên xung phong, gồm: Bản khai đề nghị xét tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Trường hợp Thanh niên xung phong già, yếu hoặc đã hy sinh, từ trần thì do đại diện thân nhân đứng tên lập bản khai. Một trong các giấy tờ sau đây đảm bảo tính pháp lý chứng minh là Thanh niên xung phong: Thẻ đội viên Thanh niên xung phong; Quyết định, lý lịch, trong đó ghi rõ là Thanh niên xung phong và phiên hiệu đơn vị Thanh niên xung phong; Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi Thanh niên xung phong trở về địa phương như: Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị quản lý Thanh niên xung phong; Giấy chuyển thương, chuyển viện, phiếu sức khỏe; Giấy khen trong thời gian tham gia lực lượng Thanh niên xung phong; Giấy chứng nhận tham gia Thanh niên xung phong; Giấy điều động công tác, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ. Thông tin cần thể hiện rõ thời gian đi Thanh niên xung phong. Giấy chứng nhận Thanh niên xung phong của Hội (Ban Liên lạc) Cựu Thanh niên xung phong cấp tỉnh xác nhận thời gian đi và thời gian hoàn thành nhiệm vụ trở về của Thanh niên xung phong. Văn bản xác nhận phiên hiệu đơn vị Thanh niên xung phong của cơ quan có thẩm quyền theo quy định hiện hành kèm theo tài liệu chứng minh cá nhân đi Thanh niên xung phong tại phiên hiệu đơn vị đó hoặc Quyết định hưởng trợ cấp, hưởng chính sách đối với Thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc của cơ quan có thẩm quyền ban hành kèm theo danh sách Thanh niên xung phong. Lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên có thể hiện thời gian tham gia Thanh niên xung phong khai trước ngày Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 1999 có hiệu lực thi hành; riêng đối với Thanh niên xung phong cơ sở miền Nam, lý lịch khai trước năm 1995. Lý lịch đảng viên được sao y bản chính và có xác nhận của cấp ủy đảng nơi đảng viên sinh hoạt. Đối với trường hợp được công nhận là liệt sĩ thì hồ sơ đề nghị gồm Bản khai Thanh niên xung phong hy sinh khi làm nhiệm vụ đã được công nhận là Liệt sĩ và bản sao y Bằng công nhận Liệt sĩ hoặc Bằng Tổ quốc ghi công hoặc các giấy tờ xác nhận là liệt sĩ của cấp có thẩm quyền. - Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ (01 bộ bản chính và các tệp tin điện tử của hồ sơ đề nghị khen thưởng), gồm: Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kèm theo danh sách các trường hợp đề nghị tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Biên bản họp xét duyệt của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp tỉnh (thành phần họp có mời thêm đại diện Hội (Ban Liên lạc) Cựu Thanh niên xung phong cùng cấp). Hồ sơ đề nghị của Thanh niên xung phong. Nghị định số 28/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2024. 7. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác lĩnh vực y tế Ngày 01/3/2024, Bộ trường Bộ Y tế ban hành Thông tư 01/2024/TT-BYT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các đơn vị thuộc Bộ Y tế và thuộc phạm vi quản lý trong lĩnh vực y tế tại địa phương. Theo đó, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác và chuyển đổi vị trí công tác trong trường hợp đặc biệt lĩnh vực y tế được quy định như sau: - Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng vị trí công tác. Thời điểm chuyển đổi vị trí công tác được tính từ ngày có quyết định hoặc văn bản phân công đảm nhiệm vị trí công tác đó. Đối với các quyết định và văn bản phân công đảm nhiệm vị trí công tác đà ban hành trước ngày 15/4/2024 được xét để tính thời gian đảm nhận vị trí công tác đó. - Đối với đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của đơn vị đô thị đơn vị báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp, việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp lập kế hoạch chuyển đổi chung. Thông tư 01/2024/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/4/2024. |